Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập Ngữ Văn Lớp 12
12/23/2023 7:28:45 PM
phanthihon ...

Giaidethi247 sẽ gợi ý giúp các bạn soạn “MỞ BÀI – GIỚI THIỆU CHUNG – ĐÁNH GIÁ – KẾT BÀI” của tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập trong chương trình Ngữ văn 12 để các bạn tham khảo.

Phần “mở - giới thiệu tác giả, tác phẩm – đánh giá nghệ thuật – kết bài” là những nội dung bắt buộc phải có trong bài viết Nghị luận văn học. Nếu các bạn có thể viết theo ý của mình thì rất tốt, nhưng nếu các bạn không quá xuất sắc thì có thể học mẫu nha! Nhưng giaidethi247 vẫn khuyến khích các bạn tự viết theo cảm xúc, suy nghĩ của chính bản thân các bạn về các tác phẩm văn học.

Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập Ngữ Văn Lớp 12 cô Trần Thùy Dương

1. Mở bài

Với phong cách nghệ thuật độc đáo, đa dạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc mà còn là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Với Người, văn hóa nghệ thuật cũng là thứ vũ khí đấu tranh đắc lực phụng sự cho sự nghiệp cách mạng và nhà văn là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Vậy nên, Người chú trọng hơn cả là tính chân thật và tính dân tộc của văn chương. Khi cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đối tượng tiếp nhận là ai, mục đích viết ra để làm gì rồi sau đó mới quan tâm đến nội dung và hình thức thể hiện như thế nào. Chính bởi lẽ đó mà văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận sắc sảo, chặt chẽ, bằng chứng tiêu biểu, giàu tính thuyết phục. Và Bản “Tuyên ngôn Độc lập” chính là một trong những tác phẩm chính luận tiêu biểu nhất khẳng định được tài năng và tấm lòng của một người nghệ sĩ, chiến sĩ anh hùng của dân tộc.

2. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, trên cả nước nhân dân nổi dậy giành chính quyền và thắng lợi. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và Bác soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang trong tình thế gấp rút. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Người đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tác phẩm là một văn kiện lịch sử đúc kết nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do, và cũng là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh gần 100 năm của dân tộc ta để có được quyền thiêng liêng đó. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam và mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập, tự do, kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước. Đây vừa là văn kiện lịch sử có giá trị to lớn vừa là áng văn chính luận mẫu mực của nền văn học Việt Nam. Đặc biệt, ở đoạn văn đầu tiên viết về cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền dân tộc, ta đã thấy được một cách sâu sắc tính thuyết phục trong cách viết văn chính luận của chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Đánh giá nghệ thuật

Bằng lập luận chặt chẽ, đanh thép, lý lẽ sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập được toàn vẹn cơ sở pháp lý của bản “Tuyên ngôn độc lập”, nêu cao tư tưởng chính nghĩa của dân tộc ta, đặt vấn đề cốt yếu là độc lập dân tộc lên hàng đầu. Cả cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh của muôn triệu con người Việt Nam chưa lúc nào thôi nghĩ về vận mệnh dân tộc, về quyền tự do của nhân dân. Bởi như lời Bác đã từng bộc bạch: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, và tiếp nữa là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”. Tựu chung lại, tấm lòng của Bác trải ra trên trang viết không chỉ là tấm lòng của một nhà lãnh tụ vĩ đại mà còn là tấm lòng của một nhà văn hóa lớn muốn dùng văn chương để truyền đi ngọn lửa yêu nước, yêu dân.

Mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, một quan điểm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định. Chính vì thế, tác phẩm chính luận bao giờ cũng thể hiện khuynh hướng tư tưởng, lập trường công dân rõ ràng. Và để tạo được niềm tin và sự ủng hộ của độc giả, tác giả của một văn bản chính luận cần phải có được tính thuyết phục trong cách lập luận. Nói về cách lập luận của Hồ Chí Minh, dù ngắn gọn, súc tích nhưng lại vô cùng khéo léo và kiên quyết. Nó có đầy đủ tất cả mọi sự sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo và đầy tính thuyết phục. Khéo léo là bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ ra vô cùng trân trọng và thể hiện sự ngợi ca những tư tưởng tiến bộ, những chân lý và truyền thống văn hóa của Pháp và Mỹ. Thêm vào đó là sự vô cùng kiên quyết được thể hiện ở chỗ: Một mặt Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam dựa trên những chân lí mà người Mĩ và người Pháp đã đưa ra, đồng thời cảnh báo nếu thực dân Pháp tiến quân xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chính họ đã phản bội lại tổ tiên của mình, làm dơ bẩn lá cờ nhân đạo, thiêng liêng mà những cuộc cách mạng vĩ đại của cha ông họ đã dành được. Cuối cùng là sự lập luận sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo bởi lẽ lời suy rộng ra của Người mang tư tưởng lớn của nhà cách mạng. Từ những chân lý đã được cả thế giới công nhận trong hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, Người đã phát triển quyền lợi của con người lên thành quyền tự quyết, quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới. Đây là một đóng góp riêng của tác giả và cũng là của dân tộc ta vào một trong những trào lưu tự tưởng cao đẹp vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại trong thế kỉ XX. Có thể nói, cách lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh như được gói gọn lại trong lời nhận định của Chế Lan Viên: “Cách lập luận của Hồ Chí Minh về phía ta giống như một trái táo, còn về phía kẻ thù nó giống như một trái lựu đạn nhét vào cổ họng chúng. Nuốt không vô mà khạc cũng không ra”.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...